CẬP NHẬT THAY ĐỔI CÔNG THỨC 2019: BIODERMA MAX SPRAY SPF50 PPD33

Kem chống nắng BIODERMA PHOTODERM MAX SPRAY SPF50+ PPD33 đã thay đổi công thức rồi nha mọi người ơi. Tin này thực ra hồi cuối tháng 06/2019 đã có 1 bạn đọc nhắn mình trên WordPress. Sau khi research đỏ mắt thì sự thay đổi (không chắc chắn) mình có được là: Octocrylene, Tinosorb M, Avobenzone, Tinosorb S => Uvinul A Plus, Homosalate, Tinosorb S, Ethylhexyl Salicylate, Uvinul T150.

Cho đến mấy hôm trước vừa có thêm 1 bạn đọc nữa đã mua và nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về texture, finish và mùi hương nên cũng nhắn lại cho mình. Cảm ơn bạn Nam rất nhiều vì đã đề xuất gửi cả mẫu thử cho mình test và update blog nha. Ngoài ra, shop mà bạn Nam mua đã email hỏi hãng và nhận được hồi âm xác nhận thay đổi công thức (như ảnh).

A Soul At Ease - CẬP NHẬT THAY ĐỔI CÔNG THỨC 2019: BIODERMA MAX SPRAY SPF50 PPD33 - Ảnh: Shop Tú Phạm
Ảnh: Shop Tú Phạm.

Hôm nay có dịp ngồi cafe với cậu bạn beauty-lover của mình, chúng mình đã trao đổi về việc thay đổi công thức kem chống nắng được ưa chuộng hạng nhất là Bioderma Photoderma Max Spray SPF50 PPD33 (không kèn không trống trên website và không cảnh báo trên bao bì). Mời bạn đọc full ý kiến của Thắng tại đây.

Mình xin trích lại toàn bộ bài viết của Thắng, kèm theo nhận xét của mình về finish, texture mới.
____________


Ý KIẾN CỦA THẮNG


1/ Nguyên nhân – Lý do

a) Tại sao công ty thay đổi công thức: (chủ quan)
+ Nguyên liệu/ thành phần có nguồn gốc động vật
+ Nguyên liệu/ thành phần sau nghiên cứu kĩ lưỡng được chỉ ra là gây hại cho cơ thể (khi dùng ở liều lượng/ nồng độ cao
+ Sức ép từ người tiêu dùng, trào lưu
+ Lợi nhuận trên sản phẩm

b) Nguyên nhân (khách quan/ chủ quan) có thể bao gồm:
+ Trải nghiệm người dùng không tốt (trắng quá, nhờn dính quá, mùi quá)
+ Phản ứng giữa hoạt chất lọc tia UV với các thành phần còn lại khiến giảm công năng/ hiệu năng
+ Có khả năng làm cay, xót mắt/ vùng da có vết thương hở


2/ Nhận xét của Thắng

Việc thay đổi công thức có thể do các nguyên nhân, lý do trên. Với dòng sản phẩm Bioderma Photoderm Max Spray spf50+ ppd33 thì ta phải nhìn nhận bản chất của sản phẩm này và nó hướng đến đối tượng người sử dụng như thế nào, trong hoàn cảnh ra sao, cách thức sử dụng thì từ đó ta mới hình dung ra lý do tại sao họ lại có sự thay đổi công thức như vậy.

Công thức cũ – UV Filters cũ: Octocrylene, Tinosorb S & M, Avobenzone (4 màng lọc – có khả năng chống UVAs cao).

Công thức mới – UV Filter mới (*): Uvinul A Plus, Uvinul T150, Tinosorb S, Homosalate, Ethylhexyl Salicylate (5 màng lọc – thiên hướng chống tia UVBs cao).


Nguyên nhân (do Thắng suy luận):

1. Sự thay đổi công thức này là do bản chất sản phẩm trên phù hợp với việc nó được định hướng là sản phẩm kem chống nắng hardcore dùng cho người, trong những tình huống như đi biển, đi chơi toát mồ hôi. Với tính ổn định (khả năng phân hủy thấp) của các màng lọc UV thế hệ mới thì công thức (*) sẽ đảm bảo nhu cầu này hơn.

2. Do ở biển hay các môi trường mà thời gian tiếp xúc với ánh nắng cường độ cao quá dài thì họ sẽ yêu cầu khả năng chống đỏ rát da, chống bỏng nắng cao hơn. Vậy nên, ở công thức (*), khả năng chống UVBs được đẩy lên hết mức với màng lọc Uvinul A Plus, Uvinul T150, Homosalate và Ethylhexyl Salicylate. Thế nên nó đảm bảo tính bảo vệ da dưới nắng mạnh (và sự phản xạ ánh nắng từ mặt nước) tốt hơn công thức cũ. Sự lựa chọn Avobenzone và Octocrylene, Tinosorb M trong công thức cũ thiên hướng về bảo vệ da trước tia UVAs hơn là UVBs và đồng thời thành phần Avobenzone cũng dễ bất ổn hơn trước ánh nắng khắc nghiệt ở những môi trường này. Đó có lẽ là lý do tại sao mình nghĩ sự thay đổi này là cần thiết đối với hãng.

Thêm vào đó, có thể rằng cost per unit với công thức cũ cao hơn công thức mới, dẫn đến quyết định lựa chọn thay đổi này của hãng. Với cả, với một sản phẩm dạng xịt như thế này họ sẽ muốn sử dụng các công thức màng lọc giá rẻ, hiệu quả cao giúp bảo vệ da chống bỏng nắng do tia UVBs hơn là tập trung vào mục đích chống UVAs, chống lão hóa nhiều. Do thói quen cứ 2 tiếng, hoặc thậm chí ít hơn 2 tiếng nếu bạn hoạt động nhiều, bôi lại kem chống nắng thì với công thức trên bạn vẫn sẽ được bảo vệ da toàn diện trước 2 loại tia UVAs và UVBs hơn

Có một số người bị nhạy cảm vùng giác mạc với Avobenzone và Octocrylene gây cay, chảy nước mắt. Đồng thời hãng cũng phải tính toán đến việc hướng sản phẩm của mình vào những nước/ bang cấm việc sử dụng kem chống nắng chứa các thành phần (có khả năng) tẩy trắng san hô.

Dưới đây là nhận định đầy đủ nhất của mình về sự thay đổi công thức lần này của Bioderma. Các nội dung khác như công thức, các sự phản ứng của màng lọc chống nắng với các thành phần phụ trợ, thành phần hoạt động bề mặt, khả năng bám dính và chống điện tích… mình không nhắc đến vì nó sẽ rất rắc rối để đề cập trong một bài này. Tuy nhiên, chung quy lại đây vẫn là một sản phẩm chống nắng tốt và đỉnh cao cho những ai đi biển, hoạt động ngoài trời. Đừng vì ngại ngùng thay đổi công thức mà bỏ qua sản phẩm này nhé.

EDITED 30/09/2020:

Với các sản phẩm có SPF cao với màng lọc hữu cơ/ hóa học thì lượng dầu và chất béo phân cực trong đó càng lớn (nói cách khác, các màng lọc chống nắng hữu cơ tan nhiều trong dầu). Các loại dầu phân cực này cho hiệu quả thẩm mỹ cao hơn như là cải thiện khả năng sản phẩm được tán trên da, làm mềm da nên những sản phẩm này khá hợp với da khô, và thậm chí có thể thay cho kem chống nắng phổ thông bôi mặt.

Tuy nhiên, vì một số màng lọc UV có thể có màu nên sẽ làm cho công thức chung bị ảnh hưởng. Nhìn bảng thành phần và mô tả của Hồng Anh, Thắng cũng đoán là màu kem sẽ hơi ngà ngà vàng vì nó na ná giống cái kem chống nắng cho người của Clarins Thắng đang dùng (mặc dù màu của kem chống nắng Clarins có thể do các thành phần chiết xuất hầm bà lằng); nhưng với màu này thì Thắng không khuyến cáo là bôi lên mặt và cổ vì nó sẽ bám màu và làm ố vải trắng. Bản chất sản phẩm được đựng trong vỏ chai xịt để tăng hiệu quả trong việc đưa sản phẩm lên vùng da body để sử dụng chứ không hợp lý cho việc dùng lên mặt.

A Soul At Ease - CẬP NHẬT THAY ĐỔI CÔNG THỨC 2019: BIODERMA MAX SPRAY SPF50 PPD33 - Ảnh: Bioderma.com
Ảnh: Bioderma.com.



Ý KIẾN CỦA ASAE

Mình đã sử dụng phiên bản mới này tới hôm nay là tròn 20 ngày, tất nhiên không đều đặn cả 20 ngày mà xen lẫn phiên bản cũ (xem lại review tại đây) và một số kem chống nắng khác.


1/ Về công thức

Đã có 3 bạn hỏi mình là phiên bản cũ có bảo vệ kém hơn phiên bản mới không, vì thay đổi UV Filters và thứ tự các chất nền còn lại cũng có thể coi như là một loại kem chống nắng mới hẳn.

Thì câu trả lời của mình là, thứ nhất, chúng ta ngày càng đề cao các sản phẩm nghiêm túc trong việc chống UVA1 gây tổn thương da sâu sắc một cách tích luỹ mà mắt thường không nhận ra ngay được. Nhưng công tâm mà nói thì sự thay đổi này vẫn đáp ứng được khá tốt đấy chứ?!

Cụ thể, sự thay thế Tinosorb M + Avobenzone bằng Uvinul A Plus sẽ làm giảm đi đôi chút khả năng bảo vệ khỏi UVA1 (các bước sóng gần về 400nm); còn sự thay thế Octocrylene bằng Uvinul T150 + 2 chất khác sẽ làm tăng mạnh khả năng bảo vệ khỏi UVB. Phải nhớ rằng tất cả các loại Uvinul đều bền vững và ít gây kích ứng hơn nhiều (đặc biệt là Avobenzone); quan trọng là khả năng bảo vệ không hề tệ trong đồ thị so sánh các hoạt chất chống nắng (bạn có thể google hoặc xem lại ảnh cũ của mình).

Thứ hai, đúng như Thắng nói, tại sao hãng lại thay đổi mục tiêu chống UVA1 sang chống UVB, thì đó là sản phẩm Bioderma Photoderm Max Spray với 2 loại dung tích tiêu chuẩn là 200ml/ 400ml đang hướng đến mục đích sử dụng cho body nhiều hơn là cho mặt. Minh chứng là hãng thiết kế bao bì dạng xịt cũng nhằm nhấn mạnh tính tiện dụng khi apply trực tiếp cho body, nhắc nhở người dùng trên bao bì rằng hãy xịt ra tay rồi mới apply lên mặt nếu mày định dùng cho mặt (nếu mình nhớ không nhầm).

Cho nên việc thay đổi công thức để bảo vệ tốt hơn cho các vùng da trên cơ thể khỏi bỏng rát đỏ dưới ánh nắng gay gắt (UVB) trong các sự kiện ngoài trời như du lịch, thể thao, bơi lội là điều dễ hiểu được ưu tiên hơn.

Thứ ba, vẫn là ý của Thắng chiều nay nói với mình, nhưng mình muốn nhắc lại thêm chút. Việc thay đổi công thức theo hướng ưu tiên bảo vệ vùng da body (một cách chủ quan) có thể lại góp phần gia tăng doanh số bán hàng toàn cầu, thay vì các chị em Việt Nam với khí hậu thời tiết nóng ẩm của Việt Nam lại đang chủ yếu dùng nó để bôi cho mặt và cổ, bôi mãi không cạn 1 chai lớn.


2/ Về texture, finish, tính thẩm mỹ

Phiên bản mới có màu ngả vàng rõ rệt hơn, có mùi lờ lợ hơn (bay rất nhanh thôi) so với phiên bản cũ. Kết cấu vẫn lỏng, mỏng nhẹ, dễ thoa đều, không vón cục và dễ tẩy trang tương tự như chúng ta yêu thích. Khả năng gây cay mắt có giảm đi một xíu nhưng không đáng kể, vẫn cay lắm ạ (Kể cả sản phẩm La Roche Posay Shaka được quảng cáo không gây cay mắt thì mình vẫn thấy cay nhẹ).

Đối với mình thì gây nhờn có nghĩa là có độ mỡ nhất định, rửa với nước không trôi cơ; nhưng mọi người vẫn gọi tên sự trơn trượt đó là nhờn, thì phiên bản mới/cũ này đều nhờn gần như tương đương. Bóng ẩm ạ, phù hợp với da thiên khô (loại da khô + tình trạng da khô sau treatment, xâm lấn) và thời tiết khô mát.

Sự khác biệt đáng kể nhất mà mình cảm nhận được là phiên bản mới có tính thẩm mỹ kém hơn hẳn. Khi vừa apply lên da không sáng sủa lên chút nào như cũ, mà tiệp với màu da, thậm chí có phần gây hiệu ứng vàng đi, tối đi so với màu da thực tế do hiện tượng phản xạ ánh sáng/ đổ bóng. Vài tiếng sau thì có vẻ gây đổ dầu nhiều hơn chút. Đến cuối ngày nhìn vào gương thì khá thảm hoạ, hỗn hợp sản phẩm + dầu thừa bị oxy hoá đi rõ rệt; da vàng ởn đi rõ rệt.

Cách xử lý là, mình lau mặt nhẹ với toner vào giữa ngày rồi reapply lại. Hoặc dùng kèm một sản phẩm kem chống nắng khác (phía trên hoặc phía dưới) có tone trắng sáng hơn một chút, kiểu kem chống nắng vật lý thì sẽ cân bằng được cả việc bóng dầu lẫn hiệu chỉnh tone da.

Thắng cũng có chia sẻ riêng với mình tại sao lại điều chế ra công thức có hiệu ứng ngả vàng kém hơn trước, thì ý kiến chủ quan là, công thức mới hướng đến vùng da body, tối ưu hoạt động của hoạt chất trên nền dầu nhiều hơn nên vì sao chúng ta bôi lên mặt chưa được xịn xò là như vậy. (Đoạn này nhờ Thắng có thể comment thêm nếu tớ diễn đạt chưa chuẩn nhé hehe).


3/ Kết

Nếu bạn đã mua phiên bản Bioderma Photoderm Max Spray mới rồi thì cứ yên tâm dùng. Sự suy giảm chút đỉnh trong khả năng chống UVA – mình thấy rằng không đáng kể lắm – nếu bạn chỉ tiếp xúc với nắng (gắt) rất hạn chế ví dụ như là đi học đi làm đi ăn trưa. Trường hợp bạn treatment hardcore hoặc vẫn chưa yên tâm thì có thể layer kèm thêm sản phẩm kem chống nắng khác.

Nếu bạn chưa mua phiên bản mới này, hãy cân nhắc đến finish cuối ngày sẽ xuống tone và ngả vàng rõ rệt. Bù lại là công nghệ chống nắng hàng đầu của Bioderma trong phân khúc dưới 500K của các thương hiệu dược mỹ phẩm Pháp. Và khả năng thay thế kem dưỡng ẩm và che mờ các dấu hiệu thiếu ẩm của da.

Cá nhân mình, rất ít khi dùng Bioderma cho mặt vào mùa hè, mà sẽ dùng cho mặt vào mùa đông và dùng cho vùng cổ quanh năm. Lý do là sản phẩm này gây bóng dầu mạnh hơn một số sản phẩm khác (ví dụ La Roche Posay) khi mình cần suy nghĩ tập trung liên tục nhiều tiếng (khi ít tập trung thì da ít tiết dầu hơn).

1 Comment

Leave a comment