CÁC TRƯỜNG PHÁI TRỊ MỤN

A Soul At Ease - CÁC TRƯỜNG PHÁI TRỊ MỤN

Thường thì mình thấy có 4 trường phái đối phó với mụn phổ biến như sau:


1. CAVEMAN REGIMEN (Không Làm Gì Hết)

– Trường phái này nhấn mạnh việc bạn không-sử-dụng-bất-kỳ-thứ-gì trên mặt. Không sản phẩm tẩy rửa, không sản phẩm dưỡng ẩm, không sản phẩm bảo vệ, không sản phẩm điều trị, không nặn mụn, không trang điểm, thậm chí không táp nước lên mặt (vì nước cũng chứa tạp chất/ hóa chất), nói tóm lại là KHÔNG LÀM GÌ HẾT nhằm loại bỏ tối đa các tác nhân gây kích ứng, giống như một người Thượng cổ sinh sống trong hang thực thụ. Điều này đã có nhiều người thực hiện thành công, bạn có thể tìm kiếm thêm trên Internet theo keyword#donothingregimen #cavemanregimen.

– Khi bị mụn, chúng ta càng mong mỏi tìm tới loại mỹ phẩm nào đó có khả năng làm cho tình thế khả quan hơn. Tuy nhiên, bạn càng rối trí, thiếu tỉnh táo khi tìm kiếm một sản phẩm điều trị, làm sạch cũng như cân bằng độ ẩm cho da bao nhiêu thì khả năng bạn đang làm quá lên khiến da ửng đỏ, tấy rát, quá khô hoặc quá dầu càng lớn bấy nhiêu. Đã vậy thì bạn không làm gì hết mà để da tự phòng vệ và đào thải mụn. Kể cả nếu bạn đi dã ngoại mà hít phải một đống đất bụi thì việc cần làm chỉ là bạn phủi chúng đi và không nghĩ tới nữa. Còn việc tắm gội nhỡ mà có làm ướt da mặt một chút thì có thể tha thứ, miễn là bạn không trực tiếp rửa mặt toàn diện bằng nước hay mỹ phẩm. Giống như cả thế kỷ trước phần lớn dân số trên Trái đất này chẳng dùng mỹ phẩm hay có kiến thức gì về chăm sóc da. Quả thật không rửa mặt cũng không chăm sóc da thật tiết kiệm thời gian, tiền bạc và sự đau buồn vì lo lắng cho mụn.

– Vậy nguyên lý của phương pháp này là gì? Cơ thể của bạn thông minh hơn bạn nghĩ. Da bạn với độ acid tự nhiên xấp xỉ pH = 5.5 có thể khiến cho mụn mệt mỏi quá mà chết đi. Tất cả lượng mồ hôi, dầu tự nhiên, lợi khuẩn trên da có thể bảo vệ da bạn chống lại vi khuẩn gây mụn. Việc bạn rửa mặt, tẩy da chết, sử dụng sản phẩm không thiên nhiên 100% (mình có viết bài về Natural & Organic rồi, bạn đọc chưa?) đều có can thiệp vào cơ chế tự nhiên mang tính acid đó; dù bạn đã cố gắng bù đắp sự mất cân bằng sau khi rửa mặt (làm tăng tính kiềm lên) bằng sản phẩm mang tính acid thấp, hoặc dù bạn không bù đắp nó thì da bạn cũng tự làm việc đó rồi. Nếu bạn không làm gì cả, lượng da chết được tích tụ tạo thành một tấm mặt nạ này sẽ được thay mới tự nhiên sau khoảng 28 ngày tránh xa hoàn toàn nước; lúc ấy bạn có thể rửa mặt nhẹ nhàng và dùng khăn mặt ẩm để tẩy da chết nhẹ, rồi lại tiếp tục chu trình không làm gì cả. Rõ ràng là cũng có nhiều người quanh ta chẳng dùng mỹ phẩm bao giờ hết và cũng chẳng bao giờ bị mụn, một cơ địa thật đáng mơ ước. Cho nên, khi mụn phần lớn là vấn đề nội sinh (như nội tiết tố, chế độ dinh dưỡng, căng thẳng tâm lý,…) thì mỹ phẩm không phải là giải pháp toàn diện triệt để, có lẽ không làm gì cả lại hợp lý ở đây hơn là cứ sai rồi sửa sai mãi.

– Trường phái “người Thượng cổ” này còn khuyến khích việc ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, luyện tập thể thao, giữ thái độ “không làm gì cả” với mụn, không dành tâm trí theo dõi tình trạng mụn, không soi gương quá nhiều mà trở nên ám ảnh với mụn.

– Tuy nhiên, phương pháp này quả thực rất kén người theo và kén cả điều kiện sống. Môi trường sống ở Việt Nam không khuyến khích bạn không làm gì cả thậm chí cả rửa mặt. Trước khi bạn chữa khỏi được mụn một cách dịu dàng, thảnh thơi như phương pháp này thì có khi da bạn đã phát sinh thêm những nốt mụn mới do quá bẩn rồi. Thế nên ta có trường phái thứ 2 sau đây.


2. LET IT BE (Mặc Kệ Nó)

– Nặn mụn không đúng cách sẽ phản tác dụng: Mỗi nốt mụn đều chứa vi khuẩn, nhân mụn, da chết, bã nhờn,… tất cả chỉ dưới 1 lỗ chân lông. Khi bạn dùng dụng cụ hoặc đầu ngón tay tác động lực lên nốt mụn, bạn phải chấp nhận đã đưa thêm vi khuẩn vào, gây nên vết thương sâu hơn ở bề mặt ngoài cùng cho tới các tầng tế bào biểu bì và hạ bì, có thể khiến mụn dễ viêm và nặng hơn khi bạn không lấy nhân mụn triệt để, dẫn đến hình thành sẹo và vết thâm dai dẳng, tạo điều kiện cho mụn đầu đen và đầu trắng phát triển tiếp trên chính nốt mụn chưa hoàn toàn khép miệng… nhất là nếu bạn không xác định được chính xác khi nào mụn đã sẵn sàng để chui ra và đảm bảo được việc tiệt trùng mọi dụng cụ lẫn thao tác nặn mụn.

– Dùng sản phẩm trị mụn quá khô da: Thường thì với mụn do nội tiết tố và mụn do hệ thống tiêu hóa đào thải có vấn đề, việc trị mụn khá phức tạp và không triệt để nếu chỉ sử dụng sản phẩm bôi ngoài da. Khi dùng các sản phẩm điều trị tại nốt mụn (spot treatment) chứa hoạt chất (active ingredient), bạn có thể làm cho nốt mụn trở nên quá khô trên cả bề mặt lẫn các tầng tế bào bên dưới, khô hơn mức độ thông thoáng cần thiết để dọn được da chết gây tắc lỗ chân lông, diệt khuẩn và kháng viêm.

– Sản phẩm làm sạch đang dùng có thể quá mạnh và gây kích ứng: Da người nghiêng về tính acid nhẹ, cũng là môi trường mà vi khuẩn không ưa thích, cho nên việc bạn dùng sản phẩm làm sạch có độ kiềm cao (pH > 7), kể cả nước máy (pH = 7), cũng làm ảnh hưởng tới sự cân bằng này. Việc tẩy da chết quá thường xuyên khi da có mụn cũng có thể làm cho lớp màng bảo vệ của da yếu hơn. Tuy nhiên nếu bạn không rửa mặt, thì bụi bẩn, bã nhờn, da chết sẽ vón lại và làm tắc lỗ chân lông, khiến da xám xịt, bí bách hơn, tình trạng mụn nặng hơn. Vì vậy, bạn nên dùng sản phẩm làm sạch nhẹ nhàng có pH cân bằng khoảng 6.0 và thao tác nhẹ nhàng để tránh làm hư tổn thêm nốt mụn.

– Tuy nhiên, phương pháp này có lẽ thích hợp hơn cả với những bạn bị mụn không thường xuyên hoặc mụn ít nghiêm trọng chỉ điểm xuyết vài nốt, có khả năng tự khỏi. “Mặc kệ nó” ở đây nhấn mạnh tới việc làm sạch da dịu dàng hơn, không làm khô da với thuốc trị mụn, không tự ý nặn mụn, để yên cho mụn tự khỏi. Thỉnh thoảng có một vài nốt mụn mọc lên cũng là chuyện rất bình thường ở huyện, không quá quan trọng. Thế nhưng nếu mụn không đơn giản chỉ có “đôi khi” như thế, ta có trường phái thứ 3 sau đây.


3. OVER-THE-COUNTER ACNE TREATMENTS (Trị Mụn Không Kê Toa)

– Thông thường, các sản phẩm điều trị mụn không cần kê toa có thể được chia thành 5 nhóm lớn bao gồm:
+ Sản phẩm tẩy rửa (Cleansers)
+ Sản phẩm bôi lưu (Leave-on products)
Nhóm sản phẩm tẩy rửa và bôi lưu thường sử dụng các loại hoạt chất giống nhau như Benzoyl Peroxide, Hydroxy Acid (bao gồm α-hydroxy acids/ AHA; β-hydroxy acids/ Salicylic Acid/ BHA; và Polyhydroxy acids/ PHA), và Triclosan.
Riêng sản phẩm bôi lưu có thể chứa thêm Azelaic Acid và Resorcinol.
+ Sản phẩm gây tác động vật lý (Mechanical treatments): Hạt tẩy da chết (Scrubs), Khăn lau (Cleansing cloths) gồm khăn khô và khăn ướt, Miếng dán mụn (Cosmetic adhesive pads), Chổi cọ (Brushes) dùng trong máy rửa mặt, và Thiết bị tạo nhiệt (Heating devices) nhằm diệt khuẩn mụn.
+ Tinh dầu (Essential oils): Tinh dầu tràm trà (Tea tree oil).
+ Vitamin: Vitamin A (Retinol), Kẽm (Zinc), Vitamin B3 (Nicotinamide) và Lưu huỳnh (Sulfur).

– Ở trường phái này, mình chủ yếu muốn nói tới việc sử dụng các sản phẩm đặc trị mụn bôi lưu ngoài da chứa các hoạt chất không kê toa (Over-The-Counter acne treatment ingredients). Sở dĩ các hoạt chất này giúp điều trị mụn tận gốc (work on the root causes) là vì cơ chế làm bong tróc tế bào chết ở tầng biểu bì, sau đó dọn dẹp thông thoáng lỗ chân lông để nhân mụn thoát ra ngoài, diệt khuẩn, cuối cùng làm giảm sưng, kháng viêm. Việc trị mụn toàn diện cần đảm bảo quy trình đó, tuy nhiên một chất đơn lẻ thường không đảm nhiệm được hết, cho nên ta có sự kết hợp các chất khác nhau trong cùng một sản phẩm hoặc phối hợp nhiều sản phẩm với nhau.

– Khi da có mụn, không phải tới khi mụn đã khá nặng rồi thì bạn mới cần sử dụng hoạt chất, mà các dạng mụn dễ xử lý hơn cũng có thể được hỗ trợ khắc phục nhanh hơn bởi các sản phẩm trên thị trường vô cùng đa dạng và đem lại tác dụng từ yếu đến trung bình và mạnh. Nhiều khi với cùng một nồng độ hoạt chất và các thành phần còn lại tương tự nhau, độ mạnh yếu cũng như trải nghiệm khi sử dụng sản phẩm có thể đã rất khác nhau do sự khác biệt về công thức và chất lượng nguồn nguyên liệu.

– Khi sử dụng các sản phẩm này, chế độ chăm sóc da của bạn cần có sự điều chỉnh để cân bằng lại mặt hạn chế của thuốc (có thể gây kích ứng, bong tróc hoặc làm khô da). Việc làm sạch da cẩn thận là không thể bàn cãi khi điều trị mụn. Tuy nhiên, trước các tác động mạnh mẽ nhằm xâm nhập sâu lỗ chân lông và diệt khuẩn của hoạt chất trị mụn, mình không hoàn toàn ủng hộ quan điểm chỉ làm sạch da mụn mà không dưỡng ẩm. Sự khô thoáng sau khi dùng sản phẩm đặc trị có thể giúp kiềm hãm cơ chế tăng tiết bã nhờn quá mức vốn là nguyên nhân chủ yếu tạo nên môi trường sinh mụn với da thiên dầu; nhưng với da thiên khô hoặc da thường trở nên quá khô, chưa kể yếu tố nhiệt độ và độ ẩm thấp, việc thiếu độ ẩm (mất nước và thiếu dầu) này có thể gây ra tác dụng ngược như làm da mỏng hơn, sần sùi hơn, yếu hơn dẫn tới hồi phục hư tổn chậm. Bởi vậy, nếu cần thiết phải để các hoạt chất hoạt động 1 mình mà không có các sản phẩm khác theo sau thì bạn chỉ nên duy trì điều đó trong một khoảng thời gian ngắn thôi; còn nhìn chung khi đã sử dụng các sản phẩm trị mụn dưới dạng thức bôi lưu ngoài da thế này, bạn nên dưỡng ẩm nhẹ nhàng và phù hợp với nhu cầu của da mình nhé. Hơn nữa, các sản phẩm dưỡng ẩm nếu bổ sung thêm các thành phần làm dịu, kháng viêm, chống oxy hóa cũng sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị mụn, giúp da khỏe hơn. Bạn không bao giờ được quên sự quan trọng của vấn đề độ ẩm với da nha (bài viết cũ mình đã phân tích tại sao rồi).

– Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu da bạn bị một vài nốt mụn bất thường (về tần suất chứ không nghiêm trọng), có thể tự lành được tuy hơi chậm thì việc bạn để mặc nó cũng không phải sự lựa chọn tồi. Chẳng hạn như mụn cám và mụn đầu đen, có thể bạn chỉ cần làm sạch da cẩn thận hơn, chăm đắp mặt nạ đất sét là đã đủ rồi. Hoặc như mụn khi đến kỳ thì nó sẽ qua nhanh thôi. Còn với những da bị mụn tương đối nặng, việc dùng hoạt chất trị mụn là cần thiết. Nếu thi thoảng xuất hiện hiện tượng thuốc mất tác dụng hay lờn thuốc, bạn nên cân nhắc đổi sản phẩm, chuyển qua hoạt chất mới hoặc hoán đổi các hoạt chất đã từng sử dụng và dùng lại chúng. Trong trường hợp da trở nên quá mỏng, quá yếu không thể tiếp nhận và thích ứng các hoạt chất, bạn hãy tạm ngưng lại các sản phẩm trị mụn đang dùng mà tập trung làm sạch và phục hồi da trước đã; khi bề mặt da trở nên dày hơn và khỏe hơn, lúc đó hẵng tính tiếp. Cuối cùng, một khi mụn đã trở nên trầm trọng ngoài tầm kiểm soát, hoặc bạn dùng thuốc không kê toa nhiều tháng liền không thuyên giảm mụn và cải thiện được tình hình, chúng ta sẽ đi theo trường phái thứ 4 sau đây.


4. SEE A DERMATOLOGIST (Gặp Chuyên Gia Da Liễu)

– Hãy đến gặp bác sĩ hoặc tới các cơ sở da liễu như spa để được tư vấn và điều trị khi bạn ở trong những tình trạng sau:
+ Mụn của trẻ em và vị thành niên;
+ Mụn trở nên trầm trọng hơn suốt một thời gian dài hoặc đã vượt quá khả năng giải quyết của bạn;
+ Các đơn thuốc không cần kê toa không có hiệu quả với mụn của bạn;
+ Mụn của bạn hình thành sẹo;
+ Mụn của bạn do dị ứng với hóa chất và các vật chất khác;
+ Mụn xuất hiện sau khi bạn sử dụng đơn thuốc điều trị các bệnh lý khác;
+ Mụn ảnh hưởng tới sự tự tin của bạn hoặc bạn đang ở trong tình thế cấp bách trước một sự kiện quan trọng nào đó.

– Khi ấy, các chuyên gia có kinh nghiệm, được đào tạo về da liễu có thể sử dụng các thiết bị cũng như kê toa hoạt chất điều trị để can thiệp, giải quyết giúp bạn. Có thể bạn phải nặn mụn và chữa trị theo gói liệu trình với các kỹ thuật viên. Có thể bạn phải bôi thuốc, uống thuốc và kiêng khem (nếu cần thiết) theo đơn của bác sĩ. Trường hợp bạn cần xử lý nốt mụn bọc mụn viêm khẩn cấp, bác sĩ có thể tiêm cortisone để làm xẹp mụn nhanh và hạn chế viêm, nhưng nếu tay nghề của bác sĩ không cao thì việc này có thể để lại dấu vết và cần đến tiêm hyaluronic acid filler để làm đầy và mờ vết tiêm. Nhìn chung, tình trạng của bạn có khá hơn hay không cũng phụ thuộc rất lớn vào chuyên môn của các bác sĩ và sự tỉnh táo của bạn khi quyết định tuân theo phác đồ điều trị.


TỔNG KẾT

– Tựu chung lại, mỗi trường phái điều trị mụn đều có những ưu nhược điểm và góc nhìn nhận riêng. Bạn cứ cân nhắc và tuân theo định hướng mà bạn cho là phù hợp nhất. Cũng có thể bạn sẽ không hoàn toàn đi theo một trường phái nào trên đây mà kết hợp chúng với nhau, như ăn uống sinh hoạt lành mạnh và giữ tinh thần thoải mái ở chế độ (1), thong thả với mụn và làm sạch nhẹ nhàng khi nó chỉ nhẹ thôi ở chế độ (2), sử dụng linh hoạt các hoạt chất trị mụn khi nó nặng lên ở chế độ (3), cẩn thận ra spa mỗi khi nặn mụn và đi gặp bác sĩ nếu bạn đã không thể kiểm soát được tình trạng mụn ở chế độ (4); điều đó hoàn toàn hợp lý. Nhưng đừng bỏ bê làn da mụn nhé, ngay cả việc không làm gì cả cũng phải được nằm trong tính toán khoa học của bạn. Chúc bạn luôn tỉnh táo và may mắn nha!

NGUỒN THAM KHẢO
http://thelovevitamin.com/3135/caveman-regimen/
http://beautyeditor.ca/2015/01/29/acne-do-nothing
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3366450/
http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/teen-acne-when-see-doctor

Leave a comment