05 THÓI QUEN DƯỠNG DA CẦN CÓ TRONG NĂM MỚI

A Soul At Ease - 05 THÓI QUEN DƯỠNG DA CẦN CÓ TRONG NĂM MỚI - Ảnh: Alexandra Gorn (Unsplash)
Ảnh: Alexandra Gorn (Unsplash).

Càng ngày, thời gian đi làm và nhìn thấy đồng nghiệp càng nhiều hơn thời gian ở nhà và nhìn thấy bố mẹ. Tối tối dù có về muộn – ăn uống – dọn dẹp – tắm rửa – skin care xong xuôi lúc 23 24h thì vẫn phải cố xem được 1 bộ phim hoặc hoàn thành bài viết trò chuyện với bản thân trong điện thoại. Thế là sáng sáng suốt ngày đi làm bị muộn, sếp thì chửi yêu, Lạy mày mày ngủ sớm đi; tối về sếp lại vỗ vai, Mày cố lên.

Đấy là start-up, thời gian làm việc còn linh động như thế. Chứ còn bạn, nếu thời gian làm việc theo giờ hành chính, hoặc thời gian đi học mỗi ngày mỗi phách thì bạn định bụng sẽ dành thời gian cho bản thân ra sao? Năm 2019 này, hãy thay đổi ít nhất 05 điều sau đây trong cách bạn đối xử với làn da của mình, bạn thân mến nha!


1. BÔI ĐỦ KEM CHỐNG NẮNG

Đi làm nhiều nơi, mình chưa từng gặp ai vừa bôi đủ kem chống nắng, vừa hiểu rõ tại sao loại kem chống nắng mình đang dùng thì tốt hơn các loại khác. Trường hợp có 1 trong 2 yếu tố kể trên thì có, nhưng ít thôi.

OK bạn không cần trở thành thần sầu skin care. Bỏ qua việc lựa chọn kem chống nắng ra sao, nhớ bôi lần đầu đủ lượng ít nhất là 1 thìa sữa chua Vinamilk lên 1 khuôn mặt không bao gồm vùng cổ. Bỏ qua việc phải bôi lại kem chống nắng trong ngày lằng nhằng thế nào, nhớ bôi đều đặn hằng ngày, cả ngày nắng lẫn ngày mưa, cả ngày nóng chảy mỡ lẫn ngày rét sun vòi. Chân lí là dù sao có dùng thì vẫn hơn không dùng, và dùng quá ít thì coi như không dùng còn hơn. Không thỏa hiệp và nắm rõ 2 điều trên thì bạn có thể tốt nghiệp khóa học “Nghiêm túc gìn giữ tuổi thanh xuân”.

Sau hình thành thói quen và mang đậm tinh thần kem chống nắng cũng chính là dưỡng da và chống lão hóa, hãy thử đổi sang kem chống nắng hóa học (nếu bạn đang dùng kem chống nắng vật lý) vì khả năng cao một loại kem chống nắng hóa học tốt sẽ hiệu quả hơn một loại kem chống nắng vật lý bất kỳ trong việc giúp da khỏe lên và giảm mạnh tình trạng các tia UV kích thích phản ứng gây viêm ở mụn, thật sự luôn.

Mình có một vết chàm khô khá rộng ở vùng cổ đã nửa năm mãi chưa dứt điểm. Cứ đợt nào trời ấm, mình chăm bôi kem chống nắng lên vùng đó thì da dịu hẳn, bớt đỏ và ít ngứa rát. Nhưng cứ vài bữa lạnh, mình bỏ kem chống nắng để mặc áo cao cổ và quàng khăn thì dùng kem dưỡng ẩm chẳng ngon lành bằng. Bạn thấy kem chống nắng có đáng đầu tư cho làn da nhạy cảm không nào?


2. ĐÁNH GIÁ LẠI SỮA RỬA MẶT

Trong 10 người gần nhất mà mình hỏi thăm lần đầu về routine dưỡng da, trên 5 người đang dùng một loại sữa rửa mặt harsh với da; còn lại thì có 2-3 người đang dùng một loại sữa rửa mặt pH thấp nhưng dùng chưa đúng cách; có 1-2 người dùng sản phẩm tốt đúng cách.

Sữa rửa mặt harsh với da thường hội tụ các đặc điểm sau:

— Lý thuyết: Độ pH cao (phải test bằng máy hoặc giấy thử độ pH giá 10K mua ở Ngọc Khánh mới biết), cam kết làm sạch sâu lẫn kiềm dầu (trên bao bì), chứa nhiều chất hoạt động bề mặt mạnh (tùy thuộc vào công thức, nên rất khó đánh giá nếu chỉ nhìn vào danh sách thành phần), chứa nhiều các chất cấp ẩm và chiết xuất có lợi.
— Thực tế: Cảm giác ngay sau khi rửa là bề mặt sạch bong kin kit, da mặt hơi căng kéo, không mềm mại, xuất hiện hiện tượng đổ dầu mạnh. Nguyên nhân là sản phẩm chưa tốt thì làm mất cân bằng mạnh mẽ lớp màng ẩm tự nhiên có lợi trên da, sản phẩm tốt hơn thì quá trình này đỡ hơn song vẫn luôn xảy ra.
— Lưu ý là lượng bọt và độ pH không nói lên hoàn toàn về khía cạnh harsh của sữa rửa mặt (có rất nhiều loại tạo bọt siêu tốt, không làm khô da nhưng vẫn có độ pH rất cao, như là Cow Brand Mutenka).

Một loại sữa rửa mặt có lý thuyết và thực tế hoàn hảo thì dễ kiếm. Nhưng nếu khả năng tẩy rửa chưa tốt và không làm thuyên giảm tình trạng mụn đầu đen/ sợi bã nhờn thì bạn vẫn cần xem lại. Cái này là cảm nhận ở từng cá nhân nên phải tham khảo nhiều và thử nhiều để có kinh nghiệm nha.

Tóm lại, sữa rửa mặt chân kinh sẽ làm sạch tốt, không làm khô da và có càng nhiều chiết xuất có lợi càng tốt (dù chúng chỉ ở trên da dưới 1 phút và chỉ kịp làm dịu da và làm da bớt mất ẩm). Cá nhân mình thích sữa rửa mặt dạng kem và ít bọt vì xác suất chúng làm ẩm da sẽ cao hơn, yếu tố làm sạch mình không quá ưu tiên vì đã tẩy trang kỹ rồi.

(Không liệt kê ở đây nhưng bạn nhất thiết phải tẩy trang cẩn thận nha. Lựa loại nào cũng được, thật sự là loại nào cũng được, miễn không gây kích ứng/ dị ứng và để lại lớp finish sau cùng chấp nhận được với bạn. Ví dụ mình chỉ cần nước tẩy trang không gây rát da, có độ ẩm nhẹ, không cần làm sạch quá đô vì mình luôn dùng 2 loại tẩy trang; thích dầu tẩy trang dễ nhũ hóa, không để lại cảm giác nhờn trên da mặt và da tay.)


3. THỬ ÍT NHẤT 2 LOẠI HOẠT CHẤT TRỊ MỤN

Trường hợp da mụn nặng hoặc bạn còn rén thì cứ đi khám da liễu, đi spa để những người có chuyên môn hỗ trợ bạn. Trường hợp da mụn nhẹ và bạn có niềm tin mình vẫn có thể tự kiểm soát được thì việc làm đầu tiên là thử nghiệm các loại hoạt chất trị mụn khác nhau.

Đừng mặc kệ cho mụn ngày càng sưng đỏ (viêm). Đừng mặc kệ cho da ngày càng rỗ. Có những người bạn mình biết là da họ mụn nặng, chữa da liễu và đi spa đều không dứt điểm do tổng thể cơ địa và yếu tố di truyền thì phải chấp nhận. Nhưng bạn chưa thử thì làm sao mà kết luận được là da không đẹp lên được?

Tìm hiểu hoạt chất trị mụn không cần nhiều não lắm đâu. Google hoặc xem lại một số gợi ý mình từng viết qua rồi: TEE TREE OIL, AZELAIC ACID, NIACINAMIDE, SALICYLIC ACID (loại spot treatment, không phải sản phẩm tẩy da chết), SULFUR, BENZOYL PEROXIDE, ADAPALENE, TRETINOIN hay một số loại thuốc bôi kháng sinh như CLINDAMYCIN, ERYTHROMYCIN…

Cứ lần lượt thử là biết thôi ấy mà, thậm chí lâu lâu quay vòng biết đâu lại work. Chi phí rẻ, rủi ro không quá lớn vì bạn bôi theo điểm/ vùng nhỏ trong thời gian ngắn. Thay vì mua cả một bộ dưỡng da cho da mụn thì bôi thuốc trị mụn chuyên biệt phù hợp sẽ cho kết quả nhanh hơn và tận gốc hơn.

Ở đây mình không tính AHAs, BHA, Retinoids dưới dạng thức là sản phẩm tẩy da chết chuyên dụng, vì cơ chế không đặc trị mụn. Chúng cần được dùng thận trọng và mang tính hỗ trợ nhiều hơn.


4. TÌM MỘT LOẠI SERUM CẤP ẨM KHÔNG PHẢI HYALURONIC ACID

Mình không thù ghét gì hoạt chất Hyaluronic Acid. Song có lẽ vì da của mình từ trước đến nay đã thử qua nhiều loại serum thuần HA, serum chứa tỉ lệ lớn/nhỏ – kích thước phân tử lớn/nhỏ HA đều không cảm nhận được thay đổi gì nên mình thấy serum HA rất nhàm chán. Nhưng có thành phần này trong các bước dưỡng khác thì rất hoan nghênh. Miễn đừng PR đề cao HA quá đà với nồng độ 0.xx% nằm tít cuối bảng thành phần dài dằng dặc bao gồm mấy chục chất là được, nhảm quá.

Khi thoát khỏi lối mòn serum chứa HA “có khả năng ngậm nước gấp 1000 lần trọng lượng của nó” thì bạn có rất nhiều lựa chọn khác. Hãy tiện thể dành ra vài giờ để Google một số nhóm chất cơ bản, đọc để biết chứ không cần học thuộc lòng. Sau này mua hàng có xem mô tả sản phẩm thì tiềm thức sẽ hiện ra. Một số nhóm chất cơ bản nên biết TÊN là:

— Nhóm chất hút ẩm (humectants, trong đó có Hyaluronic Acid)
— Nhóm chất làm mềm (emollients)
— Nhóm chất khóa ẩm (occlusives)
— Nhóm nhân tố dưỡng ẩm tự nhiên (NMF ingredients)
— Nhóm các loại dầu dưỡng (carrier oils) để phân biệt với tinh dầu (essential oils)
— Nhóm các chất có khả năng làm trắng/ sáng da (skin-lightening ingredients)
— Nhóm các chất có khả năng tẩy da chết (exfoliant ingredients)
— Nhóm các chất có khả năng chống oxy hóa (anti-oxidant ingredients), kháng viêm (anti-inflammatory ingredients), làm dịu da (skin-soothing ingredients)
— Nhóm các chất gây tranh cãi trong mỹ phẩm (controversial ingredients)
— Vân vân, các nhóm này hoàn toàn có thể giao nhau. Nghĩa là 1 chất nằm trong nhiều nhóm.


5. ĐI SPA ÍT NHẤT 2 LẦN/THÁNG ĐỂ CHĂM SÓC DA CƠ BẢN

Mỗi tháng dành ra 500 nghìn đến 1 triệu để đi spa thì mình nghĩ bất cứ ai đã duy trì được bộ dưỡng da 5-7 bước tại nhà cũng đều có thể chấp nhận được. Đi spa ở đây không mang tính trị liệu như trị mụn hay cần mua cả liệu trình để trị thâm, trị sẹo, trị nám, trị tàn nhang, trẻ hóa da… Mà là các dịch vụ chăm sóc da cơ bản có kết hợp nặn mụn, làm sạch sâu: Đẹp thì 2 lần/tuần, ít thì 2 lần/tháng.

Trước đây mình không đánh giá cao việc chi tiền đi spa để thư giãn, để chăm sóc da cơ bản vì bản thân mình đã skin care cẩn thận ở nhà rồi. Tuy nhiên, khi chuyển sang chỗ làm mới có yêu cầu công việc (đồng thời cũng là phúc lợi) đi spa vài lần/tháng để cảm nhận và nghiệm thu dịch vụ của đối tác thì suy nghĩ của mình đã dần thay đổi.

Đầu tiên là, làm quần quật mấy thì cũng có lúc muốn buông, cần được thư giãn và có thêm chút thời gian chất lượng dành cho bản thân. Cứ cho mình là cái đứa không thích hơi ám thị chuyện ăn uống, không thích ra hàng ra quán lắm đi, thì vài trăm nghìn mỗi tháng để đi spa đối với mình nó vẫn vui hơn so với những lần tụ tập ăn uống ồn ào, tốn kém, về trễ vì luôn bị mất năng lượng.

Tiếp sau là, khi trải nghiệm cùng một dịch vụ ở spa khác nhau, rõ ràng là chất lượng dịch vụ khác nhau. Song kết quả ở mọi spa lại tương đối giống nhau: Duy trì một làn da sạch hơn. Nếu có ít mụn “đủ tiêu chuẩn”, nhân viên spa sẽ giúp mình nặn ra, nhanh thôi chứ không phức tạp như buổi trị mụn chuyên sâu. Đắp mặt nạ dẻo kháng khuẩn và làm sáng (dưỡng ẩm không đáng kể) cũng giúp da săn chắc hơn, duy trì được 1-2 ngày. Và thích nhất là chế độ massage da mặt, bạn đâu có tự massage bài bản cho mặt tại nhà đâu phải không? Chưa kể một số spa nào đầu tư nghiên cứu sản phẩm tẩy da chết hóa học hiệu quả thì kết quả sẽ trông thấy rõ luôn.


KẾT

Sếp của mình đã nói, “Tao cần cái fanpage của công ty cũng phải educate được khách hàng biết quan tâm chăm sóc chính mình rồi hình thành thói quen, như cái blog của mày.” Thế đã có ai vì đọc blog của mình mà trở nên như thế chưa?

Nghĩ đơn giản phụ nữ đẹp là phụ nữ biết coi trọng bản thân, bạn đừng skin care đối phó ngày nhớ ngày quên, hãy nắm vài mánh cơ bản để đi hỏi cho không bị quê và tiết kiệm thời gian. Hiểu đơn giản “chống lão hóa” là chẳng qua là dưỡng ẩm và bảo vệ để làm chậm lại quá trình tự nhiên của da, bạn đừng tìm từ khóa “chống lão hóa” khi mua đồ nữa mà nên cụ thể hóa hơn nhu cầu của mình.

Chung quy lại, da mỗi người mỗi khác. Mỹ phẩm đã có giấy tờ ra thị trường và sống được là nó “tốt” theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế rồi. Còn “tốt” với bạn hay không, đó là do sự phù hợp ở cơ địa và ở cách dùng mà thôi…

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này và đọc ASAE trong suốt năm qua 2018. Chúc bạn luôn xinh trong năm mới, và không chủ quan mỗi khi sắm sửa mỹ phẩm nha.

Leave a comment